Skip to main content

Được dự báo là tương lai của ngành thiết kế và phát triển ứng dụng thế giới, low-code/ no-code ngày càng chứng minh được nhiều giá trị với doanh nghiệp. Gartner dự báo tỷ lệ các ứng dụng mới được doanh nghiệp phát triển dựa trên nền tảng low-code/ no-code sẽ tăng đến 70% vào năm 2025. Low-code/ no-code được xem là cứu tinh với các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đẩy nhanh hoạt động và có ngân sách thấp. Tuy vậy, low-code/ no-code không phải là giải pháp ‘one size fits all’. Việc áp dụng low-code/ no-code đòi hỏi hiểu rõ tình trạng doanh nghiệp, đối tượng sử dụng và use case cụ thể để tránh đi lạc hướng.

Những lợi ích không thể phủ nhận của low-code/ no-code

Các startups và SMEs thường áp dụng low-code/ no-code technology khi hướng đến các lợi ích, giải pháp ngắn hạn với ngân sách thấp. Chẳng hạn:

 Phát triển các ứng dụng lưu hành nội bộ không đặt nặng yêu cầu về kỹ thuật;

 Bị giới hạn bởi thời gian, chi phí hoặc thiếu hụt đội ngũ phát triển chuyên nghiệp. Khi đó với sự hỗ trợ của low-code/ no-code, ‘Citizen Developers’ là các cá nhân không hoặc có ít nền tảng kỹ thuật sẽ được trao quyền để thiết kế và phát triển ứng dụng;

 Hoặc đối với các dự án phức tạp, kéo dài, công nghệ low-code/ no-code được đội ngũ phát triển chuyên nghiệp tận dụng như một công cụ tăng năng suất, rút ngắn thời gian phát triển ứng dụng.

Khi được sử dụng đúng cách, low-code/ no-code có những lợi ích nổi bật sau:

 Đẩy nhanh quá trình phát triển ứng dụng và đưa ra thị trường, tập trung nhiều hơn vào các công việc gia tăng giá trị cho người dùng và sản phẩm;

 Tiết kiệm nguồn lực về thời gian và chi phí;

 Linh hoạt, dễ dàng thay đổi và phản hồi với thị trường, người dùng.

Rất nhiều doanh nghiệp đã và đang ứng dụng low-code/ no-code trong phát triển ứng dụng như: Consigli, Ringler, Mondelez,…

Tuy nhiên, các nền tảng low-code/ no-code hầu hết vẫn còn tương đối non trẻ, do đó khi cân nhắc ứng dụng công nghệ này, các doanh nghiệp nên tập trung vào những use cases thật sự cụ thể và tập trung thay vì áp dụng trên phạm vi rộng. Ngoài ra, low-code/ no-code cũng không được xem là lựa chọn hiệu quả khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng và mở rộng quy mô. Ở giai đoạn này, các doanh nghiệp liên tục loại bỏ, thay thế các thành phần trong ứng dụng, một điều không thuận lợi khi ứng dụng được xây trên nền tảng low-code/ no-code, vì điều đó đồng nghĩa loại bỏ đi toàn bộ ứng dụng đã thành hình.

Điểm chưa tối ưu của low-code/ no-code

Việc quyết định ứng dụng low-code/ no-code cũng đi kèm với một số bất lợi như:

 Giao diện trực quan và tính năng kéo-thả vốn là sự tiện lợi tạo nên khác biệt cho giải pháp no-code. Tuy nhiên, sự thua kém về tính toàn diện của các tính năng này so với phương pháp code thông thường hay các sản phẩm ‘off-the-shelf’ (phần mềm mua ngoài có sẵn) có thể không tạo ra sản phẩm cuối đúng như mong muốn ban đầu;

 Các ứng dụng no-code được phát triển 1 cách nhanh chóng và dễ dàng, đổi lại phía doanh nghiệp không có quyền kiểm soát toàn bộ cách ứng dụng vận hành và bị phụ thuộc vào giới hạn tùy chỉnh từ nhà phát triển nền tảng no-code, khiến việc chỉnh sửa ứng dụng khó khăn hơn;

 Khi ứng dụng xảy ra sai sót, các lỗi không hề xuất hiện một cách trực quan như khi thiết kế ứng dụng khiến các lập trình viên thiếu nền tảng kỹ thuật khó phát hiện và sửa chúng. Tệ hơn nữa, người dùng cuối có thể phải chịu sự bất tiện của các lỗi này mà ‘Citizen Developers’ không hề hay biết.

Để low-code/ no-code là giải pháp tuyệt vời cho doanh nghiệp…

Doanh nghiệp cần cẩn trọng và có mục đích rõ ràng khi tìm đến sự trợ giúp của low-code/no-code.:

 Nên tập trung vào mục tiêu kinh doanh và những use case cụ thể để lựa chọn nền tảng low-code phù hợp. Cụ thể, doanh nghiệp nên hiểu rõ ai sẽ là người sử dụng công nghệ low-code/ no-code. Low-code/ no-code cho đối tượng phổ thông thường là những công cụ trực quan thích hợp cho phát triển ứng dụng đơn giản. Ngược lại, low-code dành cho developers ngoài những tính năng trên còn bao gồm quyền chỉnh sửa code khi cần thiết;

 Nên bắt đầu với những use case đơn giản, được phép thử nghiệm và kiểm chứng, như bổ sung tính năng mới vào các ứng dụng trong quy trình kinh doanh hay ứng dụng báo cáo trí tuệ kinh doanh (BI reporting)/ dashboards,… Tiến từng bước thận trọng cho phép doanh nghiệp nhìn nhận vấn đề và kịp thời có biện pháp thích ứng trước khi nhân rộng phạm vi áp dụng.

 Cuối cùng, áp dụng low-code/ no-code không chỉ đơn thuần là trao công cụ, nền tảng cho ‘Citizen Developers’. Để việc áp dụng thực sự hiệu quả, doanh nghiệp cần cân nhắc 1 số thay đổi bên trong sau:

 Sự trao quyền cho ‘Citizen Developers’. Giờ đây, không phải đội ngũ phát triển chuyên nghiệp mà chính những cá nhân không có nền tảng kỹ thuật chịu trách nhiệm phát triển, quản lý ứng dụng. Low-code/ no-code chỉ đơn giản khi phát triển nhờ sự trực quan, nhưng khi có vấn đề xảy ra, liệu ‘Citizen Developers’ có đủ kiến thức và kinh nghiệm để giải quyết chúng một cách dễ dàng như trước?

 Huấn luyện về thiết kế ứng dụng low-code/ no-code. Bên cạnh nội dung training riêng phụ thuộc vào use case và nền tảng cụ thể được doanh nghiệp sử dụng, ‘Citizen Developers’ cần được trang bị kiến thức chung về hệ thống dữ liệu, tương tác người dùng và mối liên hệ giữa các nền tảng công nghệ;

 Để low-code/ no-code thực sự là giải pháp dài hạn và quy củ, doanh nghiệp nên thiết lập cơ cấu bộ máy và các bộ tiêu chuẩn, quy định và quy trình khi sử dụng nền tảng low-code để phát triển ứng dụng mới nhằm đảm bảo tính đồng nhất trong hoạt động và chất lượng ứng dụng cuối.

Xem thêm: Sử dụng nền tảng Low-code một cách hiệu quả nhất

Xem thêm: NAUcode | Cùng làm sản phẩm kỹ thuật số một cách thông minh