Skip to main content

Trong nhiều thập kỷ, các tổ chức thường có hai lựa chọn khi cần thay thế hệ thống thông tin mới. Họ có thể xây dựng một hệ thống mới bằng cách tận dụng đội ngũ lập trình riêng hoặc có thể mua một hệ thống từ nhà cung cấp bên ngoài. Cách tiếp cận “xây dựng từ đầu” cũng giống như đặt mua một bộ trang phục tùy chỉnh vậy vì nó mang lại sự phù hợp với yêu cầu kinh doanh riêng của từng công ty. Nhưng việc đặt may quần áo theo yêu cầu đồng nghĩa với chi phí cao hơn và thời gian chờ đợi lâu. Các hệ thống có sẵn từ các nhà cung cấp tuy không vừa vặn nhưng thường rẻ hơn nhiều, có thể lắp đặt nhanh hơn. Để tiết kiệm chi phí, đôi khi các công ty có thể tái cấu hình các hệ thống này hoặc thay đổi hoạt động kinh doanh của họ cho phù hợp với hệ thống mới. Vậy, ứng dụng low-code/ no-code đang có vai trò gì?

Ngày nay, có một giải pháp thay thế thứ ba đang ngày càng trở nên phổ biến. Đó là các ứng dụng low-code/ no-code (LC/NC) có thể đáp ứng chặt chẽ các yêu cầu kinh doanh, có thể được triển khai nhanh chóng và thường có chi phí thấp hơn nhiều so với các hệ thống được phát triển nội bộ. Các ứng dụng này cho phép chuyển giao quá trình phát triển cho những nhân sự không chuyên thay vì tốn thời gian của các nhà phát triển hệ thống chuyên nghiệp. Với các giao diện menu trỏ và nhấp hoặc kéo thả, người dùng thường có thể thiết kế và triển khai các hệ thống cá nhân hoặc của bộ phận của họ chỉ trong vài giờ.

Một ví dụ nổi bật là tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) – một trong những loại hệ thống được LC/NC phát triển nhanh nhất. Sử dụng các quy tắc để quy trình hoá các quyết định, nó cho phép người dùng thiết kế các quy trình công việc tự động có thể liên kết với nhiều hệ thống thông tin, giúp tự động hóa các quy trình hành chính tại văn phòng. Một số công cụ RPA cung cấp các tính năng nâng cao hỗ trợ khám phá các cơ hội tự động hóa phức tạp hơn, hoặc trình kết nối với các công cụ AI để tạo ra quy trình tự động hóa “thông minh” hoặc “tăng cường”. Thông thường RPA được phân loại là mã thấp, nhưng vẫn có các phiên bản phần mềm “nhẹ” không cần mã nhưng cung cấp ít tùy chọn hơn để tùy chỉnh và mở rộng.

Các nền tảng low-code/ no-code đã mở rộng đáng kể số người có thể xây dựng các ứng dụng trong một doanh nghiệp. Phần mềm low-code – như tên gọi của nó, vẫn có thể yêu cầu một số kỹ năng lập trình ở một mức độ nào đó – thường được các nhà phát triển phần mềm chuyên nghiệp hoặc nhân viên CNTT/kinh doanh kết hợp sử dụng để cải thiện năng suất của họ. Phần mềm no-code thì phù hợp để sử dụng bởi những nhân sự không có nền tảng kỹ thuật, đôi khi được gọi là “nhà phát triển công dân”. Đối với nhiều công ty, điều này giúp họ số hóa và tự động hóa các nhiệm vụ cũng như quy trình nhanh hơn so với việc thuê và đào tạo đội ngũ phát triển chuyên nghiệp vốn đang khan hiếm và tốn nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, một lưu ý khi sử dụng phần mềm low-code/ no-code là cần có sự tham gia và giám sát của đội ngũ IT khi liên quan đến các hệ thống quan trọng sẵn có của doanh nghiệp. Khi các công ty tìm đến các giải pháp low-code/ no-code, họ cần lưu ý rằng các nền tảng này – trong khi giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian và lỗi cũng như đem đến các cơ hội cải tiến – vẫn yêu cầu một số trình độ chuyên môn kỹ thuật nhất định để mở rộng quy mô, duy trì, tích hợp và quản lý hiệu quả.

Một số ứng dụng phổ biến của Low-Code/No-Code

Phương pháp phát triển phần mềm bằng low-code/ no-code hỗ trợ nhiều loại ứng dụng, phổ biến là các hệ thống xử lý giao dịch quy mô nhỏ. Đây là những ứng dụng xử lý các giao dịch kinh doanh — các công cụ như quản lý nguồn nhân lực (ví dụ: đánh giá hiệu suất), quản lý đặt chỗ cho nhà hàng hoặc tạo báo giá đặt hàng, quản lý dịch vụ tại chỗ, v.v. Các công ty lớn có thể mua thêm các gói dịch vụ cao cấp hơn hoặc các chương trình được phát triển tùy chỉnh để xây dựng các hệ thống hoàn chỉnh hơn bằng low-code/ no-code, nhưng với các doanh nghiệp nhỏ thì bản thân các nền tảng có sẵn đã đủ để họ có thể tự tạo một cách dễ dàng.

Một điểm nổi bật khác của low-code/ no-code là khả năng tự động hóa quy mô nhỏ. Tự động hóa các quy trình làm việc của doanh nghiệp quy mô lớn nói chung nên được thực hiện bởi các nhà phát triển chuyên nghiệp bởi độ phức tạp và khối lượng data khổng lồ, nhưng nhiều công ty SMEs hoàn toàn có thể tận dụng low-code/ no-code để tự động hóa. Giống như tự động hóa quy trình rô-bốt tinh vi hơn, low-code/ no-code có thể tiếp cận cơ sở dữ liệu, email và hệ thống giao dịch, đồng thời thực hiện các tác vụ một cách tự động. Bởi vậy nó có thể dễ dàng áp dụng cho các nhiệm vụ nhỏ mà các nhân sự thường phải thực hiện – bao gồm các tương tác với phần mềm năng suất văn phòng như bảng tính, xử lý văn bản và thư mục tệp điện tử. Ví dụ, Dentsu đã đào tạo hàng trăm nhân viên cách sử dụng công cụ low-code/ no-code RPA hay có doanh nghiệp đã sử dụng low-code/ no-code để tự động thông báo qua email về bảng chấm công muộn.

Các chương trình low-code/ no-code cũng có thể được sử dụng để phát triển các trang web trên máy tính hoặc thiết bị di động. Các phiên bản phức tạp hơn của các chương trình này thậm chí có thể xử lý các giao dịch của khách hàng. Các công ty cung cấp công cụ thiết kế trang web cũng thường cung cấp dịch vụ lưu trữ và cũng có thể cung cấp các tính năng low-code/ no-code có sẵn để hỗ trợ tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và tiếp thị truyền thông xã hội, đồng thời cho phép thiết lập và quản lý việc phân tích kỹ thuật số. Một số công cụ low-code/ no-code cũng giúp các nhà tiếp thị dễ dàng tự động hóa các hoạt động tiếp thị như cá nhân hóa trang web, tiếp thị qua email và quản lý quảng cáo kỹ thuật số.

Những thách thức về quản lý Low-Code/ No-Code

Có những lợi ích to lớn từ việc phát triển phần mềm bằng low-code/ no-code, nhưng cũng có những thách thức về cách quản lý hiệu quả. Việc sử dụng rộng rãi các công cụ này sẽ dẫn đến hiện tượng “CNTT trong bóng tối”, hiện tượng đã gây khó khăn cho các tổ chức CNTT trong nhiều thập kỷ — và có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn nhiều, nếu không được quản lý đúng cách. Các nhà phát triển công dân có xu hướng tạo ra các ứng dụng không hoạt động được hoặc khó để mở rộng quy mô, sau đó chuyển chúng cho CNTT giải quyết. Hoặc nhân sự rời công ty và không ai biết cách thay đổi hoặc hỗ trợ hệ thống mà họ đã phát triển.

Sự giám sát chặt chẽ đối với ứng dụng tạo bởi low-code/ no-code có thể kiểm soát vấn đề này và tạo ra sự chuyển giao hiệu quả từ các nhà phát triển công dân sang các nhà phát triển chuyên nghiệp khi thích hợp. Trước tiên đội ngũ CNTT cần duy trì một số quyền kiểm soát đối với việc phát triển hệ thống, bao gồm cả việc lựa chọn các công cụ low-code/ no-code mà tổ chức sẽ hỗ trợ. Doanh nghiệp có thể kết hợp mô hình phát triển công dân và chuyên nghiệp, trong đó người dùng phát triển 80% mô hình và giao nó cho nhà phát triển ở các bước cuối để test và hoàn thiện nếu có lỗ hổng về kỹ thuật. Hoặc người dùng có thể phát triển ứng dụng ban đầu bằng công cụ giao diện đồ họa, sau đó đưa ứng dụng đó cho nhà phát triển để lập trình ứng dụng đó bằng Python hoặc một số ngôn ngữ có khả năng mở rộng khác. Trong cả hai trường hợp, nhà phát triển có thể ghi lại hệ thống, đảm bảo hệ thống hoạt động chính xác và kết nối với bất kỳ dữ liệu hoặc hệ thống giao dịch cần thiết nào.

Tuy nhiên, phần lớn trách nhiệm quản lý phát triển low-code/ no-code sẽ do các quản lý bộ phận đảm nhiệm, vì hầu hết các kết quả của hệ thống đều được báo cáo ở cấp độ này. Các nhà quản lý bộ phận nên được khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển low-code/ no-code và được đào tạo về cách thức hoạt động của công nghệ này, những công cụ low-code/ no-code mà doanh nghiệp đang sử dụng và mối quan hệ giữa các nhà phát triển công dân và CNTT. Họ cũng nên đào tạo và hướng dẫn các thành viên trong bộ phận của mình về các cơ hội và trách nhiệm phát triển low-code/ no-code.

Các quản lý bộ phận và những người điều hành đứng đầu cần được đào tạo nhiều hơn về các phương pháp hiệu quả để nhân rộng các công cụ low-code/ no-code, đặc biệt là trên các khu vực địa lý rộng lớn. Doanh nghiệp có thể tạo các mô hình tổ chức mới như COE – được liên kết và hỗ trợ bởi các cổng kỹ thuật số nội bộ (hoặc “storefront”), nơi các nhà phát triển công dân, nhà phát triển chuyên nghiệp và lãnh đạo có thể cộng tác, học hỏi và nhanh chóng trợ giúp khi có khó khăn.

Hầu như mọi tổ chức ngày nay đều cần có đội ngũ phát triển hệ thống chuyên nghiệp. Phát triển low-code/ no-code không phải là giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề, nhưng nó có thể giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong tình trạng thiếu tài nguyên này. Trong tương lai, các hệ thống low-code/ no-code sẽ được nâng cấp để xây dựng các quy trình dễ dàng hơn và có thể phát triển được nhiều trường hợp sử dụng phổ biến hơn nữa. Như Chris Wanstrath, cựu Giám đốc điều hành của Github, đã khẳng định: “The future of coding is no coding at all”.

 

Xem thêm: Sử dụng nền tảng Low-code một cách hiệu quả nhất

Xem thêm: NAUcode | Cùng làm sản phẩm kỹ thuật số một cách thông minh